Tổ chức khủng bố Việt tân không thể chối bỏ tội ác (kỳ cuối)

Vụ án Dương Trọng Lâm nằm trong giai đoạn đầu chiến dịch sử dụng bạo lực mà “mặt trận” tiến hành. Dường như quá trình điều tra đã thiếu cố gắng vì chưa có bằng chứng cho thấy điều tra viên kiểm tra danh sách điện thoại của Lâm, hoặc người gần gũi với Lâm, trong khi bạn bè và người thân đã báo về việc khi còn sống Lâm đã bị đe dọa qua điện thoại, hay cuộc gọi đến gia đình Lâm của người tự nhận đã ra tay giết hại. Nếu FBI lúng túng khi giải quyết các tội ác riêng lẻ bị nghi ngờ liên quan “mặt trận” thì còn cách khác để dựng lại cuộc điều tra. Đạo luật trung lập Santa Ana của Mỹ quy định về tội ác liên bang với bất kỳ công dân Mỹ hoặc người cư trú đã hỗ trợ tài chính, tham gia “bất kỳ cuộc viễn chinh quân sự hay hải quân” chống lại một nhà nước “đang trong trạng thái hòa bình với Mỹ”. Sự thật thì “mặt trận” chưa từng che giấu việc có hành vi vi phạm Đạo luật này.

>>Điều tra theo thư bạn đọc: Tạ Phong Tần tên tội phạm đội lốt dân chủ, nhân quyền

>>Tổ chức khủng bố Việt tân không thể chối bỏ tội ác (kỳ 2)

>>Trần Thị Nga kẻ chủ mưu đẩy gia đình em Mai Trung Tuấn vào tù

>>Điều tra theo thư bạn đọc: Tạ Phong Tần là ai ?

>>Tổ chức khủng bố Việt tân không thể chối bỏ tội ác (kỳ 1)

Đó là các sự kiện công cộng được tổ chức ở nhiều thành phố nước Mỹ, lời khẩn cầu người tham dự quyên tiền cho cuộc chiến tranh do “mặt trận” tiến hành, các bức ảnh “biểu tình kháng chiến” ở Santa Ana (San-ta A-na), Caliphornia, Los Angeles (Lốt An-giơ-lét), Washington, cho thấy đám đông tụ tập để ủng hộ. FBI cũng biết về quảng cáo của “mặt trận” trên báo chí tiếng Việt kêu gọi quyên góp tiền bạc mua vũ khí; xây dựng căn cứ quân sự ở Thái-lan từ đó xâm nhập vào Việt Nam; hình ảnh và đoạn phim về việc huấn luyện tại căn cứ được sử dụng để kiếm tiền; đoạn phim miêu tả tham vọng quân sự của “mặt trận” được phát sóng toàn quốc trên truyền hình CBS. Song trong hàng nghìn trang hồ sơ điều tra của FBI, các cuộc phỏng vấn cựu thám tử và công tố viên đã không có thảo luận nghiêm túc nào về Đạo luật trung lập, ngay cả khi FBI nghi ngờ “mặt trận” đang thực hiện các vụ ám sát trên lãnh thổ nước Mỹ.

ProPublica và Frontline đã hỏi FBI văn phòng chưởng lý ở San Francisco tại sao “mặt trận” chưa bao giờ bị khởi tố vì hành vi kiếm tiền nhằm lật đổ chính phủ Việt Nam. Hai cơ quan đều không trả lời. Tang-Wilcox không nghĩ tình hình chính trị những năm 80 của thế kỷ trước khả thi cho trường hợp này. Ở thời điểm đó, Mỹ cam kết theo đuổi học thuyết Reagan, ủng hộ phong trào chống cộng có vũ trang… GS E.Kontorovich (E.Côn-tô-rô-vích) ở Đại học Luật Northwestern cho biết, ông không ngạc nhiên, vì truy tố trên cơ sở đạo luật này là cực kỳ hiếm gặp, ngay cả khi cá nhân, tổ chức vi phạm “cốt lõi những gì Đạo luật nghiêm cấm”. Với trường hợp kể trên, E.Kontorovich cho rằng “không công tố viên nào sẵn sàng trở thành người tiên phong”. Mặc dù công tố viên liên bang không hành động trên cơ sở sự vi phạm Đạo luật trung lập thì hồ sơ, tài liệu thẩm vấn vẫn cho thấy các cơ quan liên bang đã nhận thức rõ mục đích và hoạt động của tổ chức này.

Hoàng Cơ Minh – lãnh đạo “mặt trận” và là người giám sát việc huấn luyện ở căn cứ tại Thái-lan, đã có cuộc gặp với quan chức của Bộ Ngoại giao ở Băng-cốc để thảo luận về kế hoạch xâm nhập Việt Nam của ông ta, như trong phỏng vấn một nhân viên Bộ Ngoại giao đã về hưu và hồi ký của một cựu thủ lĩnh “mặt trận” đề cập. Người quan trọng nhất trong chính quyền Mỹ mà “mặt trận” từng liên lạc là R.Armitage. Khi FBI phỏng vấn trong cuộc điều tra về “mặt trận”, R.Armitage nói ông ta vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ bạn bè với Minh nhiều năm sau khi Minh đến Mỹ. Ông tin có khả năng “mặt trận” thực hiện các cuộc ám sát chính trị, ông cũng nghe tin đồn là “mặt trận” đã làm như vậy. Hồi đáp những câu hỏi được ProPublica và Frontline gửi đến, R.Armitage viết rằng, ông coi Minh như là “một trong các sĩ quan tốt nhất” ông gặp ở Việt Nam. Ông khẳng định mình đã nói với FBI về các tin đồn về việc “mặt trận” giết người, nhưng cũng thừa nhận không hề thông báo với bất kỳ người thực thi pháp luật nào về tin đồn trước buổi thẩm vấn tiến hành năm 1991. Ông coi ý đồ xâm lược Việt Nam của Minh là “trò vặt vãnh của một thằng ngốc”. Nhưng ông có hỗ trợ Minh một số việc ở Thái-lan. Chúng tôi không tìm ra bằng chứng cho thấy các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho “mặt trận”. Theo R.Armitage, ông nói rõ với các quan chức Thái-lan rằng, Hoa Kỳ không có chương trình hỗ trợ chính thức nào cho mục đích quân sự của Minh. Dù thế, sự giúp đỡ của R.Armitage dường như có kết quả: Một vị tướng người Thái thành người bảo trợ “mặt trận”, cho phép thành lập cơ sở du kích ở đông bắc Thái-lan, gần sông Mê Công và biên giới Lào.

“Mặt trận” mua các loại vũ khí hạng nhẹ như súng AK-47 và M16, M72. Kế hoạch của Minh là di chuyển về phía đông, vượt sông Mê Công, qua Lào, trước khi xâm nhập vào Việt Nam. Sau chuyến đi bằng xe tải trên những con đường bùn đất trơn tuột ở Thái-lan, ProPublica và Frontline đã tìm thấy một người Lào là đồng minh cũ của Hoàng Cơ Minh. Người này nói Minh rất tàn bạo khi trừng phạt người mất lòng tin vào sứ mệnh. Có đến 10 người lính bị xử tử vì bất phục tùng hay thiếu tận tụy. Có thể một hoặc nhiều trong số đó là công dân Mỹ. FBI nhận được ít nhất một báo cáo về các vụ giết người tại căn cứ. Một thành viên “mặt trận” đã trốn thoát năm 1986 liên lạc với văn phòng tại Honolulu (Hô-nô-lu-lu) nói với các điều tra viên có hai tân binh bị giết tại trại. Không rõ FBI làm gì với những thông tin này.

Cáo trạng do các công tố viên liên bang ở San Jose (Xan Giô-xê) công bố ngày 10-4-1991 như là cơ hội kết thúc chiến dịch khủng bố của “mặt trận”. Năm thành viên “mặt trận” bị cáo buộc đã lấy trộm hàng chục nghìn USD tiêu xài cá nhân mà không đóng thuế. Cáo trạng ghi rõ: “Các khoản đóng góp được chuyển thành thu nhập cho các bị cáo mà họ không hề trình báo hoặc giải thích với cơ quan thuế”. Hai trong số bị cáo phải đối mặt bản án 20 năm tù. Một người bị xét mức án 15 năm. D.Zwemke (Đ.Giem-cơ), cựu trung sĩ cảnh sát San Jose đã giúp các công tố viên liên bang xử lý trường hợp này, cho biết các bị cáo đề nghị cung cấp thông tin về tội ác của “mặt trận” với các nhà báo và người khác để đổi mức án nhẹ hơn. Cùng làm việc với FBI và D.Zwemke, các nhân viên thuế cố gắng tìm ra đường đi của tiền khi nó di chuyển qua nhiều tài khoản do “mặt trận” và các doanh nghiệp kiểm soát từ năm 1984 đến 1987. Một số tiền lớn được chuyển đến Băng-cốc và cũng có cáo buộc về sự thất thoát trong tài khoản cá nhân của các chỉ huy hàng đầu của “mặt trận”.

Các thành viên “mặt trận” bị truy tố khẳng định họ vô tội. Luật sư của họ lập luận rằng, các thành viên “mặt trận” phải được miễn tố vì họ đã ký một thỏa thuận bí mật với CIA, Bộ Quốc phòng. Các cơ quan này cho phép “mặt trận” làm bất kỳ điều gì muốn với số tiền kiếm được ở Mỹ để đổi lấy sự giúp đỡ của họ trong việc tìm kiếm tù nhân Mỹ ở Việt Nam. ProPublica và Frontline tìm cách có được toàn bộ hồ sơ vụ án nhằm dựng lại những gì đã xảy ra. Điều ngạc nhiên là nhân viên tại tòa án liên bang ở San Jose và San Francisco cho biết các hồ sơ đã bị mất và ở Trung tâm dữ liệu liên bang, không thể tìm thấy các tài liệu đó. Văn phòng chưởng lý tại San Francisco không có bình luận gì. Bộ Quốc phòng Mỹ và CIA từ chối nói về “mặt trận”. Những gì còn sót lại cho thấy cuộc điều tra đã được đóng lại rất bất ngờ.

Năm 1995, giám đốc của FBI lúc bấy giờ là L.Freeh đã tới thăm văn phòng ở San Francisco, nơi bà Tang-Wilcox đang điều tra về “mặt trận”. Bà mang về rất nhiều hồ sơ, cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa “mặt trận” với tội ác. Trong một buổi tiếp kiến L.Freeh, bà khẩn cầu ông cho bà đủ nguồn lực để theo đuổi vụ án hoặc đóng nó lại. Cuộc điều tra sau đó chính thức được công bố là một “vụ án lớn” về tội phạm có tổ chức và các căn cứ khủng bố. Kết hợp với các đồng nghiệp mới được bổ sung, bà Tang-Wilcox làm được nhiều việc đáng kể. FBI đã định mã danh cho cuộc điều tra là VOECRN. Một danh sách người bị nghi ngờ là sát thủ được cung cấp khiến các điều tra viên tin rằng cái tên “K-9” đã thật sự tồn tại. Tuy được mở rộng quy mô, nhưng thái độ của các điều tra viên trong cuộc điều tra lại không nhất quán. Nhiều người trong số họ coi đó là vụ vớ vẩn. Trong một biên bản, một đặc vụ đã than phiền về “sự phức tạp quá mức”. Bà Tang-Wilcox thừa nhận: “Đó không phải là công việc mà mọi đặc vụ đều muốn làm”.

Điều tra của ProPublica và Frontline cho thấy trong năm 1995, khi FBI liên kết các vụ đe dọa giết người và khiếu nại nghi là của “mặt trận” với nhau, họ nhận ra 19 trong số các tài liệu gốc hoặc không bao giờ thu thập được, hoặc bị mất hay bị phá hủy. ProPublica và Frontline tìm gặp Johnny Nguyễn (Giôn-ny) Nguyễn – cựu thành viên của “mặt trận”. Với sự giúp đỡ của Sở Cảnh sát Houston, FBI tìm cách thu thập thông tin về người này, vì có nguồn tin ông ta “cầm đầu nhóm sát thủ K-9”, và đã giết Nguyễn Đạm Phong. Được hỏi, Johnny Nguyễn trả lời, ông ta chưa từng biết Đạm Phong, nói gì tới làm hại; thẳng thừng phủ nhận việc từng là thành viên của K-9. Johnny Nguyễn kể khi đó đã bảo với những người nghĩ ông ta là kẻ giết người: “Được rồi, nói với FBI tôi là K-9. Nói với FBI nhốt tôi lại”, “chẳng có nhân chứng, vật chứng”.

Những nỗ lực tiếp tục cuộc điều tra bắt đầu từ năm 1995 và chỉ kéo dài được vài năm. FBI không nói rõ khi nào chính thức đóng lại. Bà Tang-Wilcox bày tỏ sự hối tiếc khi trả lời phỏng vấn của ProPublica và Frontline “Tôi cảm thấy tồi tệ”, “Tôi đã không thể mang công lý đến cho họ và mang lại câu trả lời cho gia đình các nạn nhân”. Cuộc điều tra ở cấp liên bang khép lại, các vụ án giết người được giao cho cảnh sát địa phương và cho phép họ nếu muốn thì tiếp tục truy tìm kẻ giết người. Nhưng không có vẻ cuộc điều tra sẽ tiếp tục. Sau nhiều tháng cố gắng tìm gặp các điều tra viên ở Sở Cảnh sát San Francisco phụ trách vụ án Dương Trọng Lâm, gần đây ProPublica và Frontline nhận được cuộc gọi cho biết chẳng thể nói gì về vụ án và họ chỉ vừa mới trích lục tài liệu từ kho lưu trữ để bắt đầu đọc.

Theo THANH TIÊU (Báo Nhân dân điện tử )

Bình luận về bài viết này